Vấn đề Tử vi lịch sử trong học thuật Đông phương

1. Khoa Tử vi xưa và nay:

Từ trước đến giờ, các nhà nghiên cứu Tử vi thường hiểu rất lờ mờ về lịch sự khoa này. Đại khái chỉ biết rằng do ông tiên Trần Đoàn ở núi Hoa Sơn đặt ra. Rồi không tìm hiểu thêm gì nữa. Vốn có ý niệm Tử vi là một môn học huyền bí nên người ta dễ tin rằng Trần Đoàn là một Tiên ông trên thượng giới. Sự lầm lẫn tai hại này đã làm cho Khoa Tử vi mất đi tính chất khoa học, hơn nữa thành một khoa mê tín như cầu hồn, ngồi đồng vậy. Bản chất Tử vi là một khoa học có biện chứng, có nguồn gốc. Quá trình lịch sử của nó, không phải là không tìm được. Có một điều nan giải, cho đến nay Khoa Tử vi thực sự do ai đặt nền móng, và hình thành vào năm nào, thì lịch sử không chứng minh được. Các văn thần nhà Thanh trong viện Tứ khố toàn thư, dâng biểu lên vua Cao Tông, vào niên hiệu Càn Long 41 (1776) nhân dịp hoàn tất bộ Tử vi đại toàn có đoạn: “Khoa Tử vi được hình thành từ đời Đông Tấn, vào niên hiệu Vĩnh Hưng nguyên niên (304 sau Tây lịch). Nhưng chưa đặt thành căn bản…” Xem vậy, khoa Tử vi có trước Trần Hi di tiên sinh gần 600 năm nhưng chỉ mới là đại lược. Sau này Trần Hi di tiên sinh và các đệ tử của ông mới nghiên cứu đặt thành hệ thống hẳn hoi. Vì vậy đời sau coi ông là Tổ sư của khoa này cũng không có gì là lạ.

2. Nguyên do không có Khoa Tử vi sử:

Người Tây phương bất cứ khoa gì, dầu chính hay tà họ cũng chép thành sử cả. Nhưng người Đông phương chỉ chú trọng ghi chép những gì được coi là chính thư. Bốn khoa học của Đông phương rất giá trị bị coi là tạp thư, không được giảng dạy chính thức gồm: Tử vi, Địa lý, Nhâm độn và Bói dịch. Lấy năm 963, niên hiệu Càn Đức nguyên niên đời Tống Thái tổ là năm Hi di tiên sinh vào kinh làm năm Khoa Tử vi được quảng bá thì đến nay trải qua trên 1000 năm, không thấy sách vở nào ghi chép về lịch sử của nó, đây thực sự là lạ lùng.

Xét về nguyên do ta thấy có ba:

– Trong khoảng 10 thế kỷ lưu truyền, Tử vi luôn là một khoa bí truyền. Bậc vua chúa quan lại giữ làm một thuật riêng để biết kẻ trung người nịnh, vận số tốt xấu mà mưu đại sự. Các triều đại bên Trung Hoa như Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Các triều đại Việt Nam như Trần, Lê, Nguyễn đều nghiên cứu Khoa Tử vi đến chỗ tinh vi, nhưng vẫn coi là một thuật riêng, không truyền ra ngoài dân gian. Bậc thứ dân may biết được lại giữ làm gia bảo, mưu cầu tư lợi, chỉ truyền cho con cháu. Nếu có truyền cho người ngoài lại truyền thiếu, truyền sai. Lâu ngày lại lâm vào tam sao thất bản, không còn giá trị gì nữa. Do vậy đến thế kỷ 19 Khoa Tử vi vẫn không phổ biến quảng bá. Đó là nguyên do thứ nhất.

– Xét về nguồn gốc, Khoa Tử vi phát xuất từ chức Chúc Quan đời vua Hoàng Đế (2689-2597 trước Tây lịch). Các nho gia coi Tử vi là một ma thuật, thuật số, không phải là chính thư, nên không mấy để tâm vào sử sách. Có nhiều nho gia nghiên cứu Tử vi, nhưng coi đó là tạp khoa, học chơi mà thôi. Ngay trong bộ Tống sử phần Nghệ văn chí cũng không thấy chép về Khoa Tử vi. Đời Minh, Khoa Tử vi thịnh hành biết bao, thế mà bộ Minh sử cũng không thấy ghi chép một câu về Khoa Tử vi. Đó là nguyên do thứ hai Khoa Tử vi không có.

– Ba là, người nghiên cứu Tử vi, dẫu có tự chế giỏi đến đâu, khi đi sâu vào khoa Tử vi là say mê ngay, rồi không mấy chú ý đến nguồn gốc của nó nữa. Vì nghiên cứu về Tử vi sử rất vất vả: thiếu thư tịch, mất thời giờ, mà không ích gì thực tiễn như nghiên cứu giải đoán vận hạn.

3. Khoa Tử vi hiện nay:

Khoa Tử vi truyền vào Việt Nam từ đời Trần, niên hiệu Nguyên Phong thứ 7, đời vua Trần Thái Tôn (1257). Nhưng cho đến gần đây, Khoa Tử vi vẫn bị những lý do chung trên mà ở trong vòng huyền bí. Từ thập niên 1960 về sau các nhà khoa bảng cổ từ từ quy tiên. Cái quan niệm Tử vi là tạp khoa không còn nữa. Nhiều nhà tân học thông thạo Hán văn bắt đầu chú ý đến khoa Tử vi sử. Một điều đáng khuyến khích, là trong quá trình lịch sử khoa Tử vi tại Việt Nam lại tinh vi hơn Khoa Tử vi tại Trung Hoa. Không khác gì đạo Phật ra đời ở Ấn độ mà cực thịnh ở Trung Hoa và Việt Nam. Các sách nghiên cứu Tử vi ở Việt Nam hiện xuất bản khá nhiều. Giá trị có, sai lạc có.

Nhìn chung các nhà nghiên cứu Tử vi hiện nay ở Việt Nam có khuynh hướng:

– Phát triển, đại chúng hóa một khoa học cổ Đông phương.

– Thống nhất nguyên tắc. Thống nhất lý thuyết Tử vi để thành một khoa học có biện chứng có nguyên lý.

– Phân biệt Tử vi với những tệ đoan cúng sao, giải sao, cầu thần, giải trừ tai nạn.

– Loại bỏ những tên bịp đời, chưa học đến nơi đến chốn, dối thiên hạ, làm tiền vô lương tâm.

Hiện nay Khoa Tử vi phổ biến đến độ trên từ vị nguyên thủ quốc gia xuống đến thứ dân đều cũng tin khoa học này. Không một ai dựng vợ, lấy chồng mà không so tuổi, không hỏi số Tử vi để tìm lẽ sinh khắc. Vấn đề quan trọng là người ta đang tìm cách đưa các khoa học huyền bí Đông phương vào học đường. Chắc chắn Khoa Tử vi có một chỗ đứng quan trọng nhất.

Hà Nội, tháng 3/2024.

DuAn chắp bút.

Back to top