“Con kính lạy Đức Thế Tôn, Bậc A La Hán, Bậc Ứng Cúng, Bậc Chánh Biến Tri”
Trì danh không phải chỉ bằng miệng của mình, mà còn bằng tâm của mình. Tâm của mình phải chuyên nhất. Mình phải để tâm vào danh hiệu đó, phải làm cho danh hiệu của Bụt có mặt trong tâm mình. Khi niệm “Nam mô Bụt A Di Đà” mà tâm ta nghĩ đến chuyện khác, thì đó là niệm danh hiệu suông, cũng giống như vỏ trấu không có hạt gạo ở trong. Đó là hạt lúa lép. Niệm Bụt mà không có nội dung, gọi là niệm Bụt không nhất tâm. Vỏ trấu không thể nấu thành cơm được. Vì vậy trong vỏ trấu phải có hạt gạo. Cũng vậy, niệm Bụt có nhất tâm thì gọi là niệm Bụt có nội dung.
Khi mình niệm Bụt: “Con kính lạy Đức Thế Tôn, Bậc A La Hán, Bậc ứng Cúng, Bậc Chánh Biến Tri”, thì mình biết: Thế Tôn là Đấng mà người đời tôn kính. Ứng Cúng là người xứng đáng được cúng dường. Chánh Biến Tri là bậc có sự hiểu biết chân thực và toàn vẹn. Khi niệm danh hiệu, lòng mình có sự rung động và tha thiết.
Niệm Bụt không phải chỉ là gọi tên một cách trống rỗng, mà phải làm cho lòng mình tràn đày sự tín kính. Niệm Bụt là phải có an lành, vững chãi và từ bi. Do đó trì danh là phải nhất tâm. Nếu trì danh mà không nhất tâm là trì danh không có nội dung, tức là không gieo được hạt sen giác ngộ vào trong tâm địa của mình.