Thuật Phong Thủy Loan Đầu đoán định nơi cư trú cơ bản dựa trên hình và thế của cuộc đất. Về tổng thể, cách chiêm đoán hình thế có hai loại: một loại xuất phát từ hình thể cá biệt thông qua phương pháp loại suy chọn phương hướng và vị trí có giá trị rồi phán đoán hình thể cuộc đất để đưa đến kết luận tốt hay xấu; một loại khác chiêm đoán tốt xấu của quần thể cuộc đất, loại sau này bao hàm cả loại trên nhưng chủ yếu từ mối quan hệ với quần thể mà tìm ra phương hướng và vị trí nhà (hay mồ mả) có giá trị rồi kết luận tốt xấu hoặc những điều cấm kị. Phương pháp sau có thể coi là mô thức hình thể có tính chỉnh thể.
Thuật Phong Thủy bao gồm ba loại đối tượng cần chiêm đoán là nhà ở, phần mộ và hoàn cảnh chung quanh. Mỗi loại đối tượng có thể chia ra làm nhiều loại nhỏ, trong đó đối tượng do hoàn cảnh cấu tạo nên là phức tạp nhất. Trong thuật Phong Thủy, tự nhiên giới với những đồi núi nhấp nhô cao thấp thay đổi không ngừng được gọi là Sơn Long hay gọi tắt là Long (con rồng). “Long” này không chỉ là tên gọi riêng trong thuật Phong Thủy, nó chính là khái niệm quan trọng trong nền văn hóa cổ đại Trung Quốc.
Bản thân “Long” là một vật thần dị rất giỏi biển hoá, làm mưa làm gió trong truyền thuyết cổ đại, thuộc loài có vảy. Cổ đại thường ví nhân vật có tài năng kiệt xuất với “Long”, ví dụ điển hình nhất là dùng để vị với các vị đế vương. Ngoài ra “Long” còn có là tên một ngôi sao, lại chỉ sao Thái Tuế. Sự thực hình dạng “Long” như thế nào chưa ai nhìn thấy tận mắt nên nó càng có tính thần bí. Người ta cho rằng, “Long” biến ảo vô thường và có uy lực cực lớn, giống như mặt đất rộng lớn, tuy có thể thấy từng hình thế từng cuộc đất nhưng cũng thiên biến vạn hoá, không cuộc đất nào giống cuộc đất nào.
Đồng thời hình thế đất đai biến hoá quanh co, lại hình thành những khí thế và hình tượng khác nhau. Thứ khí thể hình tượng này có tác dụng quyết định khi chọn lựa nơi cư trú, điều này người ta có thể biết qua sự cảm nhận trực tiếp khó giải thích. Đặc trưng của địa hình (quanh co, nhấp nhô, thay đổi) phù hợp với đặc trưng của con rồng trong quan niệm truyền thống của con người, do vậy người xưa dùng Long để tượng trưng cho đặc trưng hình thế đất đai sông núi. Mạch núi trong tự nhiên giới tương ứng được gọi là “Long Mach”.
Sơn mạch là tên gọi chung của một số núi non, phạm vi để cập của nó khá rộng. Trong thuật Địa Lý, nó cũng chỉ ngọn núi, tức là hình thể đất đai núi non trong phạm vi hẹp. Hướng đi của núi non chính là hướng đi của Long mạch. Câu “Lai long khứ mạch” (Rồng đến mạch đi, là ám chỉ đầu đuôi, ngọn ngành, manh mối.) trong tục ngữ Trung Quốc có lẽ có nguồn gốc từ thuật Phong Thủy. Những ngọn núi chủ thể cấu tạo thành sơn mạch trong thuật Địa Lý gọi là “Chủ Mạch” từ chủ mạch kéo dài ra các núi khác gọi là “Chi Mạch”. Thuật Địa Lý ví chủ mạch như hình dạng cây và cành nên họ chia Long mạch thành “Đại can” (cành lớn), “Tiểu can” (cành nhỏ), “tiểu chỉ” (nhánh nhỏ).
Nếu quan hệ của các cành nhánh ấy là tương sinh, thì đó là quan hệ được vũ trụ quan cổ đại coi trọng. Nơi khởi nguồn của Long mạch chủ được gọi là “Tổ sơn”, từ “Tổ sơn” chạy theo hướng đi của Long mạch có “Thiếu tổ sơn” mà nguồn gốc chính của Long mạch là núi Côn Lôn. Trong quan niệm truyền thống, núi Côn Lôn là núi tổ của Long mạch trên mặt đất. Kiểu loại suy này chia hình thế đất đai núi non có thứ tự, chính là thứ tự theo luân lý tông pháp truyền thống. Do vậy, đất đai đã đối ứng với xã hội. Trong các sách Phong Thủy, hình thế đất đai liên hệ với nhau giống hệt như bố cục bài vị trong nhà thờ tổ tiên.
Nhiều người Trung Quốc không biết địa mạch là gì, nhưng đều biết rõ mối quan hệ tông pháp trong giòng họ mình. Đó là biểu hiện thuật Phong Thủy đã thế tục hoá. Thuật Phong Thủy rất chú trọng đến vị trí và tác dụng của Thiếu tổ sơn trong Long mạch. Vì Thái tổ sơn thường cách nơi cư trú quá xa nên tác dụng thực tế không lớn, điều này cũng giống mối quan hệ trong gia tộc (Thái tổ là ông cố, Thiếu tổ là ông nội), địa vị của các ông tổ càng gần với con cháu càng có quan hệ mật thiết hơn. Từ điểm này chúng ta có thể nhận ra thuật Phong Thủy giải thích hình tượng tự nhiên giới vừa có tính chỉnh thể vừa có ý nghĩa thâm nhập vào thế tục.
DuAn biên soạn.