Nơi cư trú là một vấn đề lớn đối với đời sống, công dụng của chỗ ở tương quan mật thiết với các nhu cầu cơ bản về tinh thần lẫn vật chất của con người. Người Trung Quốc cổ đại cho rằng vận mệnh con người có quan hệ với chỗ ở, nên họ rất xem trọng việc chọn và xây dựng nơi cư trú. Sự xem trọng này làm cho họ không ngừng hoàn thiện kinh nghiệm và kỹ thuật xây dựng nhà cửa, khiến cho ngành kiến trúc Hoa Hạ trở thành một trong những kỳ quan của nền văn minh nhân loại. Mặt khác, cũng do sự xem trọng này họ đã vận dụng thành một tập tục thật kỳ lạ về cách chọn lựa hay xây dựng nơi cư trú để ký thác ước vọng, tìm cầu một chỗ dựa tinh thần, đó là thuật Phong Thủy.
Ngày nay, không kể một số nước chịu ảnh hưởng nền văn hóa cổ đại của Trung Quốc như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, môn Phong Thủy vẫn còn một ảnh hưởng khá sâu rộng trong sinh hoạt thường ngày của người Trung Quốc, cho dù họ ở Đại Lục, Hương Cảng, Đài Loan, Mã Lai, hay Singapore. Bất kể xây dựng những công trình kiến trúc gì, từ vườn cây, nhà ở, trụ sở công ty, cho tới cách bố trí phòng ốc trường sở, họ đều vận dụng những nguyên lý Phong Thủy.
Nói một cách đại thể, Phong Thủy trong truyển thống văn hóa Trung Quốc thông qua việc chọn lựa những dữ kiện như phương hướng, vị trí, hoàn cảnh chung quanh chỗ ở, quy mô và hình thức kiến trúc, ngày giờ xây cất, v.v.. để dự đoán tiển đồ của người ở nơi ấy, nó là một loại phương thuật trong nhiều loại phương thuật thời cổ đại, đồng thời cũng là một cách giải quyết vấn đề tâm lý về nơi cư trú. Do vậy hiện nay nhiều học giả Trung Quốc cho rằng giá trị của môn Phong Thủy thuộc phạm vi văn hóa tập tục dân gian (Dân tục học).
“Thuật Phong Thủy là một môn học cổ của người xưa dùng để xử lý và chọn lựa hoàn cảnh cư trú, trong đó có nhà ở, cung thất, chùa chiền, lăng mộ, thôn xóm, thành thị; riêng lăng mộ thì gọi là âm trạch, còn lại đều gọi là dương trạch. Phong Thủy về hoàn cảnh cư trú, ảnh hưởng chủ yếu gồm ba phương diện: Một, lựa chọn địa điểm, tức tìm một địa hình thỏa mãn cả hai mặt tâm lý và sinh lý. Hai, xử lý về mặt hình thái trong cách bố trí, bao gồm việc lợi dụng hay cải tạo hoàn cảnh thiên nhiên để định vị trí, hướng nhà, cửa ra vào, đường giao thông, nguồn cấp nước, thoát nước, v.v… Ba, dựa trên những điều vừa kể trên, người ta thêm vào những ý nghĩa biểu trưng nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm lý tìm cầu điều tốt lành, tránh né cái xấu cái dữ.”
Một số học giả phương Tây khi nghiên cứu nền văn hóa Trung Quốc thì nhận định: “Phong Thủy là một hệ thống đánh giá hoàn cảnh khách quan nhằm tìm cầu một địa điểm tốt lành cho công trình kiến trúc. Nó là nghệ thuật lựa chọn địa điểm và bố cục địa lý của Trung Quốc cổ đại, người ta không thể căn cứ vào các khái niệm tư duy của người phương Tây mà nói một cách đơn giản rằng Phong Thủy là mè tín hay khoa học. Môn Phong Thủy của Trung Quốc được xây dựng trên ba cơ sở:
1/ Địa điểm này có lợi cho việc xây nhà ở hay mộ phần so với các địa điểm khác.
2/ Địa điểm tốt lành chỉ có thể cân cứ vào những nguyên tắc Phong Thủy thông qua việc khảo sát địa điểm ấy mà lựa chọn.
3/ Một khi đã tìm được một địa điểm như thế, nếu tổ tiên được mai táng (hoặc sống) ở địa điểm ấy thì con cháu sẽ được hưởng sự tốt lành do địa điểm ấy mang lại. Gộp ba điều này lại, họ đã sáng tạo ra một nền kiến trúc kỳ đặc, trong đó có những đền đài, cung điện, lăng tẩm cổ luôn khiến cho người phương Tây phải thán phục và bị hấp dẫn.”
Nền văn hóa truyền thống Trung Quốc có nhiều tính đặc trưng, trong đó nổi bật nhất là tính vừa cô đọng vừa mơ hồ khó hiểu của tiếng Hán cổ. Trong các thư tịch Phong Thủy nhiều lúc họ sử dụng lẫn lộn giữa nghĩa gốc và nghĩa ám chỉ. Bản thân hiện tượng này là biểu hiện của một phương thức tư duy có tính truyền thống đặc thù, quan hệ tới quan niệm về vũ trụ, phản ánh việc người Trung Quốc hết sức coi trọng mối quan hệ đối ứng giữa vạn vật. Do tính đặc thù này, những người nghiên cứu thuật Phong Thủy (ngay cả những lãnh vực khác của nền văn hóa truyền thống Trung Quốc) đã gặp ít nhiều khó khăn vì quen tư duy theo phong cách phương Tây. Do vậy khi phân tích biện biệt dụng ngữ Phong Thủy, trước tiên chúng ta cần phải chú ý tới hiện tượng hàm nghĩa của dụng ngữ ây muốn diễn tả, phần lớn các dụng ngữ này ngoài nghĩa cụ thể ra, nó còn hàm ý chỉ tính tác động của vật thể đó, chẳng hạn khi người ta nói “đắc thủy” thì không đơn thuần là “được nước” mà họ muốn chỉ “được sự tác động tốt của nước”, điều này sẽ trở nên khó hiểu nếu chúng ta không hiểu hàm ý của chữ “Thủy” trong thuật Phong Thủy.
Ngày nay khi nghiên cứu thuật Phong Thủy với thái độ tiếp cận như vừa kể trên, chúng ta sẽ hiểu được ít nhiều về vũ trụ quan, nhân sinh quan và quan niệm về môi trường sống của người Trung Quốc cổ đại. Qua đó chúng ta có thể hiểu được tại sao một tập tục mang nhiều tỉnh đặc trưng như vậy đã xuất hiện cách đây mấy ngàn năm mà vẫn tồn tại cho tới ngày nay.
DuAn biên soạn.